Tiến sĩ Brian Preston thuộc Viện Nhân chủng học Max Planck ở Leipzig, Đức, đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu quốc tế nhằm chứng minh cho một giả thuyết mới của ông rằng, ngủ giúp cải thiện hệ miễn dịch.
Ông Brian cho rằng ngủ là một bí ẩn của khoa sinh học. Bất chấp việc chúng ta kiể́m soát vòng đời của động vật và tiến hành hàng trăm công trình thực nghiệm, ta vẫn chưa có đủ lời giải đáp cho chức năng kỳ diệu của giấc ngủ.
Tương tự như vậy, hiện vẫn chưa có ai lý giải vì sao các loài lại có những nhu cầu khác nhau về thời gian cho giấc ngủ. Trong nấc thang tiến hóa, động vật có vú có thời gian ngủ dao động từ 3-20 giờ một ngày.
Brian cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm một bằng chứng mới rằng giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các loài động vật trước cuộc tấn công của nhiều sinh vật ký sinh, đại loại như virus hay vi khuẩn."
Thông qua thông tin về giấc ngủ ở loài động vật có vú, các thông số về hệ thống miễn dịch và các loài ký sinh trong máu của vật chủ, công trình khoa học này đã chỉ ra rằng việc gia tăng giấc ngủ theo đòi hỏi của quá trình tiến hóa có liên quan mật thiết đến số lượng các tế bào miễn dịch trong máu.
Động vật có vú ngủ với thời gian lâu hơn thì giảm được đáng kể mức vi sinh vật ký sinh trong máu. Theo Tiến sĩ Preston, giấc ngủ tiếp thêm “nhiên liệu sống” cho hệ miễn dịch.
Trong khi thức, động vật luôn trong trạng thái sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nguồn cung năng lượng, trong đó có nhu cầu tìm kiếm thức ăn, nhu cầu tính dục và chăm sóc con cái. Khi ngủ, động vật tránh được phần lớn các hoạt động này và vì thế mà có thể kịp thời bổ sung năng lượng cho hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
0 nhận xét