Khi ứng dụng thành tựu của dự án này, người dùng máy tính sẽ không cần bất kỳ một thiết bị nào nhưng vẫn có thể “khum lòng bàn tay, di chuyển trên mặt bàn, bấm ngón tay” và điều khiển các tính năng trên máy tính của họ. Các chuyên gia của MIT gọi đó là bước tiến hóa tiếp theo của thế hệ “chuột không dây”.
Nguyên lý hoạt động của con chuột vô hình này thực ra khá đơn giản. Người ta sử dụng một thiết bị có khả năng phát ra một chùm tia la-de hồng ngoại và một camera siêu nhạy để ghi lại chuyển động của bàn tay người dùng rồi “phiên dịch” nó thành các lệnh trên máy tính.
“Cũng giống như nhiều dự án khác trong quá khứ, sự thành công của dự án này cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những công nghệ mới để điều khiển những công nghệ cũ”, Daniel Wigdor, kiến trúc sư UX của Microsoft nói mặc dù ông không trực tiếp tham gia vào dự án này.
Mặc dù các công nghệ mới như màn hình cảm ứng hay nhận diện giọng nói giờ đây đã không còn quá xa lạ nhưng con chuột máy tính với 2 nút điều khiển vẫn “thống trị” thế giới điện toán và rất nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng đây là thiết bị khó thay thế nhất. Hồi tuần trước, chính giám đốc công nghệ (CTO) của Intel, ông Justin Rattner cũng phải thừa nhận rằng mặc dù các phòng thí nghiệm của Intel vẫn đang tiến hành các dự án về những ý tưởng mới của màn hình cảm ứng nhưng bộ bàn phím và chuột vẫn không thể vắng bóng trong đời sống điện toán.
Trong dự án “Mouseless”, thiết bị phát chùm tia la-de hồng ngoại và camera siêu nhạy sẽ được “nhúng” trực tiếp vào máy tính. Khi người dùng khum lòng bàn tay lại giống như thể họ đang cầm một con chuột máy tính bình thường, thiết bị đó sẽ tự động hiểu rằng người dùng muốn sử dụng chức năng chuột và kích hoạt chế độ điều khiển.
Theo Pranav Mistry, người đứng đầu dự án Mouseless, một mẫu sản phẩm chuột vô hình mà MIT đang thử nghiệm có giá thành sản xuất vào khoảng 20 USD và nếu thành công, khi đưa vào thương mại hóa, giá thành sẽ còn rẻ hơn nữa.
Mistry là một trong những “ngôi sao” trong giới nghiên cứu và sáng tạo những công nghệ mới của lĩnh vực trải nghiệm người dùng (UX). Trước đó, ông đã từng lãnh đạo dự án “Giác quan thứ 6” (Sixth Sense) với một thiết bị có thể đeo vào cổ tay và thông qua những cái “vẩy tay” hay chuyển động, người dùng có thể tương tác với bản đồ hay các vật thể ảo. Ý tưởng này đã được các nhà làm phim của Hollywoods tái hiện trong nhân vật mà tài tử điện ảnh Tom Cruise đóng vai trong bộ phim Minority Report.
0 nhận xét