Nhắc đến loài bọ xít, hẳn phần đông trong chúng ta sẽ nhăn mũi khi liên tưởng đến mùi hôi đặc trưng của loài côn trùng này. Bởi vậy, chuyện biến bọ xít thành món ăn nghe có vẻ thật hoang đường. Tuy nhiên, sự thật về loài bọ xít có thể sẽ thay đổi quan niệm của nhiều người về loài côn trùng “hôi hám” này.
Phó giáo sư – tiến sỹ Vũ Quang Mạnh, giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học trường ĐH Sư Phạm Hà Nội đã kể lại trải nghiệm lý thú về “hương vị” của loài bọ xít.
Trong một lần đi công tác ở Lạng Sơn, tiến sỹ Mạnh đã được đồng nghiệp ở địa phương giới thiệu đến một quán ăn chuyên về… sâu bọ. Trong bữa ăn, đã có ba món được bưng ra. Món thứ nhất là châu chấu, món thứ hai là bọ cúng cơm (ấu trùng chuồn chuồn) và món thứ ba chính là… bọ xít.
Theo lời kể của tiến sỹ Vũ Quang Mạnh, bọ xít được chế biến giòn tan, béo ngậy và có mùi thơm rất quyến rũ. Mùi hôi hắc đặc trưng khiến con người khiếp hãi dường như đã bay biến, không còn để lại một dấu vết nào.
Trong các công đoạn chế biến, bọ xít sống được thả vào chậu nước có pha chút muối. Bị kích thích, chúng phun hết tuyến hôi ra khỏi cơ thể (phản ứng tự vệ của bọ xít khi cảm thấy bị đe dọa). Quá trình nấu chín sẽ phân hủy nốt chất hôi (là hợp chất hữu cơ) còn lại.
“Về nguyên tắc, tất cả các loài bọ xít đều có thể ăn được. Nhưng loài hay được ăn nhất là loài bọ xít sống trên cây nhãn, cây vải. Đây là loài bọ xít có kích thước lớn và có thể nói là… hôi nhất trong họ nhà bọ xít”, tiến sỹ Vũ Quang Mạnh nhận định.
Loài cà cuống, một đại diện nổi tiếng của bộ Cánh nửa cũng mang trong mình một tuyến mùi như thế. Nhưng trái ngược với cái tuyến mùi “kinh khủng” những người anh em bọ xít, tuyến mùi của cà cuống đã trở thành một hương vị bất hủ của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
0 nhận xét