Trong thư khiếu nại gửi tới VnExpress ngày 18/7, anh Vũ Minh Nhật (Hà Nội) cho biết thuê bao của anh đang hoạt động bình thường bỗng dưng bị khóa. Khi anh tìm hiểu vụ việc thì được biết vào 13h43 ngày 15/7, ai đó đã dùng bản sao công chứng giả chứng minh thư nhân dân của anh tới đại lý Mobifone ở Thanh Hóa để đăng ký thay đổi thông tin thuê bao, cấp lại sim mới.
5 phút sau khi được cấp sim số, kẻ gian bắt đầu tiến hành các giao dịch online trên chính tài khoản của anh Nhật. Tài khoản này có liên kết với số điện thoại anh Nhật bị cướp, mật khẩu xác thực OTP được ngân hàng gửi về số điện thoại này cho mỗi lần giao dịch. Tổng cộng 4 giao dịch mua hàng trực tuyến đã được thực hiện trong vòng 70 phút, với tổng giá trị 74,8 triệu đồng.
“Chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan điều tra, song sai sót về quy trình cấp, đổi sim ở đại lý Tâm Việt là khá nghiêm trọng và rất đáng tiếc nên cần đình chỉ để xác minh và làm rõ trách nhiệm”, ông Tuấn nói. Ông cho biết, công ty Tâm Việt đi vào hoạt động từ năm 2010, có 3 cửa hàng kinh doanh đặt tại TP Thanh Hóa, huyện Như Thanh và huyện Hoằng Hóa.
“Việc đình chỉ không ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng ở các khu vực này vì Mobifone còn nhiều chi nhánh khác”, ông Tuấn khẳng định.
Đại diện Mobifone Thanh Hóa cho biết thêm, cơ quan điều tra đã xác định nhóm 5 nghi can liên quan đến đường dây trộm cắp sim và chiếm đoạt tài sản qua các dịch vụ thanh toán online. Danh tính những người này hiện vẫn được giữ kín.
“Những ngày qua, phía công an đã thẩm vấn vài nghi can và thu thập được khá nhiều dữ liệu liên quan từ các giao dịch điện thoại. Có thể quyết định khởi tố vụ án sẽ được Viện Kiểm sát phê chuẩn trong ít ngày tới”, ông Tuấn nói.
Theo tường trình của đại diện Công ty Tâm Việt, sáng 15/7, một người đàn ông lạ mặt khoảng ngoài 30 tuổi, nói giọng Bắc đến đại lý công ty (ở số 312, đường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa) báo mất và đề nghị nhân viên làm lại sim, tuy nhiên không được chấp nhận vì anh ta không có chứng minh thư bản gốc.
Người này bỏ đi và đến đầu giờ chiều cùng ngày anh ta quay lại, thời điểm đó, đại lý chỉ có nhân viên Đỗ Thị Như Quỳnh. Đại lý cho rằng “vì nghiệp vụ chưa vững” nên chị Quỳnh đã đồng ý cấp lại sim mới cho người này. Trong lúc thực hiện giao dịch, anh ta đội mũ phớt, che gần kín mặt...
“Vị khách hàng lạ mặt nói, sim bị mất, giấy tờ lại để trong nam mà anh ta đang đi công tác nên không mang theo và liên tục hối thúc nhân viên cấp sim nên được chấp thuận”, anh Lê Văn Phương, nhân viên Công ty Tâm Việt kể . Ngay chiều hôm đó, người của đại lý đã phát hiện ra dấu hiệu bất thường từ bản chứng minh thư photo nên hoài nghi đây có thể là vụ lừa đảo. “Vì nhân viên Quỳnh mới vào làm việc, không tỉnh táo nên bị “sập bẫy”, anh Phương lý giải.
Cũng theo anh Phương, ngay sau khi xảy ra vụ cấp nhầm sim, một người tự xưng là nạn nhân Vũ Minh Nhật (Hà Nội) liên tục gọi điện, nhắn tin yêu cầu nhân viên Quỳnh đến nhà một người đàn ông trên phố Lê Hoàn - được cho là người ăn cướp sim - để thương lượng tiền đền bù.
"Tình hình bọn em thế nào, anh không đợi hay nói đùa. Tốt nhất làm cách nào, em hay nó chuyển trả tiền cho anh là xong, không có không xong với anh đâu. Anh đã cho em cơ hội...”, một trong số tin nhắn được gửi tới cho Quỳnh.
Trong khi đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết đã thụ lý vụ việc và đang mở rộng điều tra. Một nhân viên Mobifone Thanh Hóa được triệu tập để nhận diện nghi can cướp sim. Phía Bộ Công an cũng đã cử lực lượng về Thanh Hóa phối hợp điều tra.
Đây là vụ cướp sim trộm tiền trong tài khoản ngân hàng thứ hai xảy ra trong nửa đầu tháng 7. Hôm 10/7, anh Đặng Thanh Hải, thuê bao Viettel tại TP HCM cũng gặp trường hợp tương tự. Anh bị khóa sim và trong vòng một tiếng sau đó, kẻ gian đã tiêu 30 triệu đồng trong tài khoản của anh. Hai vụ việc xảy ra cách nhau 5 ngày nhưng có nhiều điểm tương đồng, nạn nhân ở Hà Nội và TP HCM nhưng cùng bị kẻ gian cướp sim tại Thanh Hóa. Cả hai nạn nhân cùng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ online banking của một ngân hàng. Chỉ vài phút sau khi có được sim điện thoại, kẻ gian đã ngay lập tức mua sắm online bằng tài khoản của nạn nhân và trộm hàng chục triệu đồng. Khe hở trong cấp lại sim của nhà mạng đã được đặt ra, song nhiều người bắt đầu nghĩ tới khả năng rò rỉ thông tin online banking của khách hàng.
"Kẻ gian ắt hẳn đã có đầy đủ thông tin của khách hàng, từ số thẻ, tài khoản ngân hàng, số điện thoại. Chúng chỉ cần khống chế, lấy được sim số mà khách đăng ký nhận mật khẩu xác thực OTP là có thể tiến hành giao dịch trộm tiền ngay lập tức", một chuyên gia thanh toán đặt vấn đề.
0 nhận xét