Toàn bộ chi phí phông rạp, loa đài, đàn nhạc bàn ghế, bánh kẹo… chỉ vỏn vẹn 870 nghìn đồng. Đám cưới nếp sống mới của xã đoàn Ngư Lộc (Thanh Hóa) đã giúp nhiều bạn trẻ thoát khỏi gánh nặng nợ nần sau hôn lễ.
Dịp cuối năm hay những ngày đầu xuân, thời tiết ấm áp thường được nhiều thanh niên làng biển Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, lựa chọn để tổ chức đám cưới. Vì dân số đông nên có ngày tại xã ven biển này có cả chục đám cưới, song tất cả đều được tổ chức tại Phòng cưới văn hóa xã do Đoàn thanh niên đứng ra đảm trách.
Dân làng gọi là đám cưới “ba tiết kiệm” (thời gian, tiền bạc và không gian tổ chức) bởi các thủ tục tổ chức đám cưới ở đây rất đơn giản. Sau khi đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, cặp đôi chỉ cần đăng ký ngày giờ dự định tổ chức đám cưới, sau đó nộp kinh phí 870.000 đồng. Những phần việc còn lại từ công tác tổ chức, phông rạp, bánh kẹo, nước chè… đều do ban tổ chức lo liệu.
Một ngày cuối tháng giêng, tại sân Nhà văn hóa trung tâm xã Ngư Lộc có hàng trăm người dân. Những cụ già nét mặt tươi vui, đám trẻ con diện quần áo mới tinh tươm chạy tung tăng khắp sân cười nói huyên náo. Nhiều đôi nam thanh nữ tú vây quanh các cặp cô dâu chú rể chờ đến giờ hôn lễ.
Vợ chồng trẻ Vũ Văn Quang và Trịnh Thị Lan dù công tác xa cả nghìn cây số vẫn quyết định về quê làm đám cưới.
Ngay từ mờ sáng, các cán bộ thuộc Ban chấp hành đoàn xã Ngư Lộc đã có mặt tại nhà văn hóa xã để chuẩn bị. Những bản nhạc dành riêng cho dịp lễ cưới được mở làm rộn ràng không khí làng biển. Với người dân nghèo xã Ngư Lộc, hình ảnh đó đã quen thuộc nhiều năm nay. Các cụ cao niên trong làng cho hay, những hôm “tốt ngày”, làng có nhiều đám cưới, không khí chẳng khác gì ngày hội.
Theo anh Phạm Văn Cường, Phó bí thư đoàn xã Ngư Lộc, cũng như hầu hết làng quê, trước đây ở Ngư Lộc đám cưới thường tổ chức đình đám, kéo dài với lễ tục rườm rà, ăn uống tốn kém, kéo theo là nhiều vấn nạn như bài bạc, rượu chè, thanh niên gây gổ đánh nhau… Với những gia đình có điều kiện thì không sao nhưng với đại bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn, để làm một đám cưới vẫn là gánh nặng. Từ đó, Đoàn thanh niên xã Ngư Lộc đã sáng kiến “lễ cưới tiết kiệm”.
“Mô hình đám cưới tiết kiệm theo tinh thần nếp sống văn hóa mới được ra đời cách đây ít năm, mục đích là để giảm tải cho các bạn trẻ sau khi lập gia đình. Các thủ tục cưới hỏi được rút gọn, loại bỏ những thủ tục rườm rà, tốn kém mà vẫn phù hợp với truyền thống của làng xã”, anh Cường chia sẻ và cho biết thêm, sở dĩ ban tổ chức tiết kiệm được kinh phí là do toàn bộ trang thiết bị đều được đầu tư đồng bộ một lần và phải mất hàng chục năm mới khấu hao hết. Các tiết mục ca vũ đều do anh em bạn bè của cô dâu chú rể chuẩn bị theo kiểu “cây nhà lá vườn”.
Cũng theo Phó bí thư đoàn, những năm đầu triển khai mô hình đám cưới tiết kiệm, do chưa quen nên gặp nhiều khó khăn, nhất là người dẫn chương trình. Để thích nghi với công việc MC hôn trường, những người có khả năng diễn thuyết trước đám đông được lựa chọn, vượt qua nhiều vòng thử giọng, sát hạch mới có đủ tự tin đứng dẫn đám cưới.
“Dù đã rất cẩn thận nhưng ngày đầu tiên làm đám cưới vẫn không tránh khỏi sự cố. Có MC dẫn chương trình đám cưới mà cứ như đang tổ chức đại hội đoàn. Phát biểu kiểu đồng chí khiến những người ngồi dưới cười ồ. Xong buổi lễ, mọi người cứ ôm bụng cười, nhưng tinh thần đều rất vui vẻ”, anh Cường kể.
Tuy nhiên, theo anh Cường, khó khăn lớn nhất không phải công tác tổ chức mà là thay đổi nếp nghĩ của bạn trẻ. Phần lớn người dân vẫn quan niệm, hôn nhân là việc hệ trọng trong đời người nên gia đình nào cũng muốn thật to, thật hoành tráng theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy. Có người lý luận, cưới xin là việc gia đình, sao có thể giao cho chính quyền tổ chức mà lại làm kiểu tiết kiệm nữa.
Vì thế cán bộ đoàn phải đi tiên phong. Gia đình cán bộ, hay những hộ có vai vế nếu có ai sắp làm đám cưới đều được vận động ra phòng cưới văn hóa xã làm mẫu. Dần dà, khi thấy đám cưới của chính các cán bộ Đoàn xã, thôn diễn ra tại Phòng cưới văn hóa rất gọn, vui tươi, đầm ấm, lại tiết kiệm chi phí, người dân Ngư Lộc mới thay đổi quan niệm.
Đến nay, toàn bộ đám cưới của con em Ngư Lộc đều tổ chức tại Phòng cưới văn hóa xã. Có ngày từ sáng đến chiều, Đoàn xã tổ chức tới 13 đám cưới. Toàn bộ anh em trong ban chấp hành Đoàn thay nhau dẫn chương trình, xúm vào tổ chức cho từng đám cưới vui trọn vẹn. Hiện chính quyền địa phương đã thống nhất dành khu nhà văn hóa trung tâm (công trình do con em đồng hương Ngư Lộc lập nghiệp phương xa quyên góp xây dựng) cho xã đoàn Ngư làm hội trường tổ chức lễ cưới chung cho thanh niên địa phương.
Tay trong tay bên người vợ trẻ xinh đẹp bước ra khỏi hội trường sau lễ cưới ngắn gọn nhưng không kém phần xúc động và đầm ấm, anh Vũ Văn Quang (31 tuổi, xã Ngư Lộc) tâm sự, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT anh rời quê vào Vũng Tàu làm công. Gặp cô bạn gái đồng hương thấy tâm đầu ý hợp nên hai người quyết định đi đến hôn nhân. Dịp Tết hai bạn dự định về quê tổ chức đám cưới nhưng cũng đối mặt rất nhiều khó khăn.
“Do ở xa quê nhiều năm nên mình rất lo đám cưới sẽ tốn kém mà kinh phí lại eo hẹp. Đang nhờ người thân lo thuê người dựng rạp, loa đài, tổ chức… thì được bạn bè giới thiệu, đoàn thanh niên xã nhà có dịch vụ cưới trọn gói mà giá rẻ bất ngờ. Ban đầu mình còn bán tín bán nghi nhưng khi nộp tiền, ký sổ thì mới tin đó là sự thật”, anh Quang nói.
Phong trào cưới văn hóa của đoàn thanh niên xã Ngư Lộc được bà con ủng hộ và đánh giá cao.
Cùng tâm trạng, bạn Hoàng Văn Dũng và Nguyễn Thị Thủy (thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc) chia sẻ, hai bạn cùng đi học rồi ở lại Hà Nội làm việc. Tình cảm nảy sinh, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Cận Tết cả hai về quê, tranh thủ những ngày nghỉ để lo thủ tục cưới hỏi. Đang lo vì đồng tiền tiết kiệm mấy năm đi làm chẳng có bao nhiêu, nhà cửa lại chật chội thì được bạn bè mách nước đến Phòng cưới văn hóa của Đoàn thanh niên xã, ở đó có dịch vụ cưới siêu rẻ.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho hay, Ngư Lộc có mật độ dân số đông nhất Việt Nam hiện nay. Chỉ với 0,46 km2, nhưng xã có hơn 18 nghìn dân, mật độ dân số hơn 50 nghìn người/km2, gấp 150 lần so với mức trung bình ở Việt Nam và thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Hầu hết người dân ở đây sinh sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản, cũng do phụ thuộc vào biển cả nên đời sống nhiều hộ gặp không ít khó khăn.
“Nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân, giảm thiểu gánh nặng kinh tế, mấy năm nay địa phương chúng tôi phát động phong trào xóa bỏ các hủ tục rườm rà, gây lãng phí đồng thời là gánh nặng cho các gia đình có việc cưới, việc tang. Trong đó, phong trào đám cưới văn hóa được nhân dân đánh giá rất hiệu quả”, ông Ngữ nói.
Trong năm 2012, có 93 đôi uyên ương của xã Ngư Lộc làm đám cưới ở xã đoàn. Từ đầu năm 2013 đến nay, Đoàn xã cũng đã tổ chức được hơn 30 đám cưới cho các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ ở các xã lân cận như Đa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc cũng đến Ngư Lộc nhờ đoàn xã tổ chức đám cưới.
Đánh giá cao việc làm thiết thực của đoàn xã Ngư Lộc, anh Cao Công Thức, Bí thư Huyện đoàn Hậu Lộc nói: “Nhìn các cặp đôi rạng rỡ, chúng tôi thấy rất vui vì tổ chức đoàn đã đóng góp một phần trong niềm vui đó. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào vận động, kêu gọi thanh niên các xã lân cận và nhân rộng trên toàn huyện thực hiện nét đẹp văn hóa này”.
Theo VnExpress
0 nhận xét