Trước thông tin chị Phan Thị Oanh - người cung cấp các bằng chứng trong vụ “nhân bản” xét nghiệm cũng nằm trong danh sách 10 người bị khởi tố, chị Nguyệt cho biết sẽ viết đơn trình bày rõ sự việc để xin giảm tội cho chị Oanh.
Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức bị điều tra thiếu trách nhiệm
Sáng 20/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố ông Nguyễn Trí Liêm (Giám đốc), bà Nguyễn Thị Nhiên (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 8 cán bộ dưới quyền của hai người này bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có "động cơ lập khống xét nghiệm để đưa vào hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm y tế của bệnh viện"
Sự việc cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng khiến chị Hoàng Thị Nguyệt, người trực tiếp làm đơn tố cáo, cảm thấy an ủi phần nào. Điều khiến chị Nguyệt buồn nhất lúc này là chị Oanh - một đồng nghiệp - cũng bị khởi tố điều tra.
Theo chị Nguyệt thì chị Oanh làm ở tầng dưới - nơi “nhân bản” xét nghiệm và là người phát hiện ra sự việc, đặt máy quay, photo tài liệu làm chứng cứ.
“Oanh chỉ là kỹ thuật viên trưởng, không được phân làm chuyên môn mà chỉ đứng đón tiếp bệnh nhân. Nếu không có cô ấy thì tôi không làm được việc này. Oanh là người cung cấp tất cả bằng chứng, thế mà bây giờ lại bị khởi tố. Giờ Oanh như thế mình làm sao yên tâm được, chúng tôi định viết đơn có ý kiến để giúp cô ấy”, chị Nguyệt nói.
Cũng theo chị Nguyệt, trước khi sự việc được đưa ra dư luận, quá trình tố cáo của các chị gặp rất nhiều gian nan. Chị Oanh là người đầu tiên ký vào đơn tố cáo.
Phát biểu tại hội sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm diễn ra tại Hà Nội ngày 20/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Trong vụ việc ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, tôi thấy Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Y tế làm rất đúng. Trách nhiệm của Bộ Y tế là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách nhưng triển khai thực thi là chính quyền theo phân cấp về địa bàn hành chính”.
Ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã có thông tư về quy trình xét nghiệm. "Chúng ta có quy trình lấy mẫu và tiêu chuẩn phòng xét nghiệm, nơi nào không làm như thế là không được và Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa xét nghiệm phải chịu trách nhiệm. Trong đó, công tác thanh kiểm tra là hơi yếu”, Bộ trưởng Tiến nói.
“Khoảng thời gian đó khủng khiếp, áp lực, mệt mỏi lắm, tôi bạc hết cả nửa đầu, sụt mất 5 kg. Giờ sự việc đã đưa ra ánh sáng, tôi cũng được an ủi phần nào nhưng còn nhiều khó khăn, gian khổ, căng thẳng lắm, đặc biệt là sự việc của Oanh lúc này”, chị Nguyệt tâm sự.
Cùng là người sát cánh cùng chị Nguyệt, chị Khuất Thị Định chia sẻ: “Oanh tốt lắm, cô ấy cung cấp tất cả các bằng chứng, tài liệu để chị Nguyệt thành công như thế. Vì thế, biết tin Oanh bị khởi tố chúng tôi buồn lắm”.
Trả lời báo chí chiều 20/8, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, hậu quả vật chất từ vụ việc này là không nhiều (16 triệu đồng), song hậu quả phi vật chất rất lớn. Đó là một số cán bộ làm trái với y đức, đạo đức, trái với quy định, để lại tiếng xấu với xã hội.
Đề cập khả năng các phiếu xét nghiệm nhân bản được đưa vào chữa bệnh, Thiếu tướng Trần Thùy khẳng định, cơ quan công an đã xác minh qua 300 phiếu xét nghiệm thấy rằng không có phiếu nào dùng để điều trị cho bệnh nhân, mà chỉ để thanh toán bảo hiểm. Ông cho rằng, đây là một may mắn.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Trần Thùy cũng cho biết sẽ xem xét điều tra về nội dung đơn tố cáo chị Hoàng Thị Nguyệt và đưa ra hình thức xử lý. Ông cũng cho rằng, bản thân chị Nguyệt trong quá trình công tác "chắc chắn trước đây đã sai phạm", song chị đã mạnh dạn đứng lên tố cáo sai phạm, cho thấy chị là người dũng cảm.
Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, tố cáo đến cơ quan chức năng. Theo chị, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Bộ phận cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư thì chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm, còn bộ phận ngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân, lại làm không hết việc. Bộ phận này chỉ xét nghiệm vài mẫu máu, rồi lấy kết quả trả cho nhiều người khác.
Trong khoảng thời gian trên, Trưởng khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa Khoa Hoài Đức cùng 7 nhân viên của Khoa đã thực hiện gần 25.000 xét nghiệm huyết học. Trong đó có gần 1.500 trường hợp bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú có kết quả xét nghiệm trùng nhau. Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, qua quá trình thu thập chứng cứ, đã có đủ tài liệu xác định trong số này có 764 kết quả xét nghiệm khống.
Đoàn Loan - Nam Phương
0 nhận xét