Gà chín cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ 3-4 cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành.
>> Bán ‘con cưng’, đại gia thu món hời trăm triệu đô
>> Người Việt chế máy bay không người lái, tàu ngầm, tàu chiến
>> Rolls-Royce Phantom rồng đỉnh nhất Việt Nam trong mắt báo Tây
Trong khi ai ai cũng đổ xô lên miền đất sôi động, náo nhiệt ở Sài Gòn tìm cho mình một công việc phù hợp, thì anh Nghiêm Gia Dũng (sinh năm 1984), lại “bỏ phố về rừng” để làm trang trại chăn nuôi các giống gà lạ, trong đó có gà chín cựa tại ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai.
Giấc mơ trang trại
Năm 2009, anh Dũng là một nhân viên làm việc trong Ngân hàng Sacombank ở TP.HCM. Đầu năm 2013, anh bỏ ngang việc làm ở ngân hàng, về Long Thành thuê đất làm trang trại để thỏa niềm đam mê của mình.
Với số vốn đi làm trong 4 năm được gần 700 triệu đồng, anh Dũng về Bàu Cạn, thuê một mảnh đất trên đồi cao để làm trang trại chăn nuôi mà mình mơ ước. Anh thuê người đào ao nuôi cá lăng, sau đó anh bắt đầu bỏ vốn mua các loại vật nuôi, như: cá lăng, công Ấn Độ, gà Đông Tảo…
Anh Nghiêm Gia Dũng giới thiệu về con gà trống chín cựa trị giá ngàn đô của mình.
Anh Dũng chia sẻ: “Tôi vốn thích chăn nuôi, xây dựng một mô hình VAC phát triển, công việc lao động chân tay vất vả hơn làm ngân hàng nhưng lại rất thoải mái và thỏa chí đam mê của mình”.
Nghe bạn bè đồn thổi có giống gà chín cựa mà trước nay chỉ được biết đến trong truyền thuyết, anh Dũng quyết tâm tìm cho được giống gà này. Anh tìm hiểu trên internet, dò hỏi xung quanh, biết giống gà chín cựa có nguồn gốc ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ). Mong muốn có được giống gà này đem về đất phương Nam nhân giống, anh đã kiên trì tìm kiếm ở nơi đất tổ. Số gà chín cựa ở đây rất hiếm, chủ yếu là gà bảy, tám cựa, biết được nhà ông trưởng bản có một cặp gà chín cựa màu trắng rất quý, anh lân la hỏi mua cho được.
“Để xin được giống gà, nghe người nơi đây mách rằng ông trưởng bản rất thích rượu, tôi đã mua 300 lít rượu biếu ông trưởng bản, và được “đáp lễ” bằng cặp gà chín cựa màu trắng quý hiếm nhất”, anh Dũng nói.
Mê nuôi giống lạ
Cũng từ đó, anh Dũng bắt đầu “sưu tầm” thêm nhiều giống gà chín cựa ở khắp các nơi. Nghe nói ở đâu có gà chín cựa là anh lại tới xem có đúng “gà truyền thuyết” để mua về nuôi. “Mới đầu mang gà về nuôi còn chưa rõ cách chăm sóc, cứ nghĩ cho gà ăn thật no là sẽ nhanh đẻ trứng, nhưng không phải, chỉ nên cho ăn ở mức độ phù hợp nó mới có thể đẻ trứng được”, anh Dũng tâm sự.
Bằng sự cố gắng, kiên trì anh đã nhân thành công giống gà chín cựa, từ đầu năm đến nay, anh đã cho xuất chuồng gần 50 cặp gà giống với giá 3 triệu đồng/cặp. Thu nhập bình quân mỗi tháng của anh cộng thêm các nguồn khác như cá lăng, công Ấn Độ, gà Đông Tảo... trên 30 triệu đồng.
Anh Dũng cho biết: “Gà chín cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ 3-4 cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành. Trong cùng một lứa gà, không phải lúc nào cũng có thể nhân được giống gà chín cựa, có con chỉ có bảy hoặc tám cựa, có con không có cựa nào”.
Hiện nay, anh đang nuôi thêm một số loài vật nuôi, như: chim trĩ, vịt trời... Anh chia sẻ: “Sắp tới tôi sẽ tiến hành mở rộng mô hình VAC, nhân giống loại giống chim trĩ trắng, nuôi thêm gà Đông Tảo lấy thịt. Đặc biệt, sẽ giới thiệu cho mọi người biết về giống gà chín cựa không chỉ có trong truyền thuyết mà còn có thực ngoài đời ở đất Long Thành này”.
0 nhận xét